Cắt Thanh Quản Toàn Phần Trong Điều Trị Ung Thư Thanh Quản Giai Đoạn Muộn - Thành Công Bước Đầu Tại Bệnh Viện Trường Đại Học Y-Dược Huế

Phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u vùng thanh quản và các cấu trúc lân cận bao gồm các cơ dưới móng của vùng cổ, xương móng và sụn nắp thanh thiệt đến các vòng sụn khí quản dưới, có thể kèm thêm các cấu trúc vùng hạ họng và tuyến giáp.

Đây là một phẫu thuật phức tạp và nặng nề, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, kiến thức tốt về giải phẫu cũng như đánh giá đúng mức độ xâm lấn của khối u trước khi phẫu thuật. Hai điều bất lợi lớn đối với cắt thanh quản toàn phần là bệnh nhân sẽ phải thở thông qua lỗ mở khí quản ra damất giọng nói thanh quản. Mặc dù, ngày nay đã có các thiết bị thanh quản điện, thiết bị lấy giọng bằng hơi khí quản - thực quản giúp cho bệnh nhân có thể giao tiếp sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải có thời gian được huấn luyện giọng, âm ngữ trị liệu sau phẫu thuật để có thể thích nghi và hòa nhập được tốt.

Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng Mắt – Răng hàm mặt - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế thực hiện một trường hợp bệnh Ung thư thanh quản bên phải tái phát được chẩn đoán giai đoạn IVa, có chỉ định Cắt thanh quản toàn phần + Nạo vét hạch cổ chọn lọc + Cắt tuyến giáp bên phải + Cấy ghép tuyến cận giáp trên và dưới bên phải (Hình 1). Hậu phẫu bệnh nhân tốt: dịch dẫn lưu <10ml sau 2 ngày, rút canule khí quản sau 2 ngày, tập nuốt tốt, vết thương liền nhanh, rút sonde dạ dày. Bệnh nhân ra viện sau 10 ngày và được hẹn tái khám (Hình 2).

Đối với ung thư thanh quản giai đoạn muộn (đặc biệt là giai đoạn IV), sau phẫu thuật, cần thiết phải được điều trị xạ trị bổ trợ kèm theo, làm gia tăng tỷ lệ sống sót sau 5 năm. Theo đó, đối với bệnh nhân này, cần tái khám và tiến hành xạ trị bổ trợ sau 4-6 tuần.

Vì vậy, đối với những bệnh nhân có triệu chứng khàn tiếng, có tiền sử hút thuốc lá nhiều, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện các trường hợp ung thư thanh quản giai đoạn sớm. Từ đó, có các chỉ định thích hợp, tránh được các phẫu thuật nặng nề và mất nhiều chức năng nếu ở giai đoạn muộn.

Hình 1: Phẫu trường (A,B) và khối u (C,D) sau cắt thanh quản toàn phần

Hình 2: Nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân và các bác sĩ trong ngày ra viện

 

Phan Hữu Ngọc Minh, Võ Đoàn Minh Nhật, Lê Thanh Thái

Khoa Tai Mũi Họng – Mắt – Răng hàm mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế