Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường đơn thuần

TS. BS Hoàng Thị Bạch Yến

Trưởng Khoa Dinh dưỡng-Tiết chế Bệnh viện Trường

Bệnh đái tháo đường là bệnh nội tiết chuyển hóa do rối loạn chuyển hóa chất bột đường trong cơ thể, với biểu hiện đặc trưng là sự gia tăng đường máu mạn tính, gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim và mạch máu, dây thần kinh và các mô.

Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

->Ưu tiên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (là thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết ít và từ từ sau khi ăn) (BẢNG 1).

->Ăn 4-6 bữa/ngày (3 bữa chính và 1-3 bữa phụ xen kẽ các bữa chính). Ăn đều đặn và không bỏ bữa, kể cả khi mệt mỏi không muốn ăn.

LỰA CHỌN THỰC PHẨM CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG NHƯ THẾ NÀO??

THỰC PHẨM NÊN DÙNG

- Nhóm tinh bột: gạo, mì, ngô, khoai, bún, phở,… nên chọn gạo lứt, bánh mì đen, lúa mạch, yến mạch hoặc ngũ cốc xay xát thay cho gạo trắng, bánh mì trắng…

- Nhóm chất đạm: các thực phẩm giàu nguồn đạm động vật ít béo như thịt nạc, cá nạc, tôm, cua, trứng… và nhóm thực phẩm giàu đạm thực vật như đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành,…). Nên ăn tăng số bữa thịt trắng (thịt gà bỏ da, cá…) và giảm số bữa thịt đỏ (thịt lợn, trâu, bò…).

- Nhóm chất béo: dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu hạt cải…).

- Nhóm rau, quả:

+ Ăn đa dạng các loại rau, nhu cầu mỗi ngày 300 – 500g rau củ, tăng cường các loại rau giàu chất xơ.

+ Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình như thanh long, bưởi, ổi, cam, dưa chuột, củ đậu, đu đủ chín, quả bơ, dưa bở, mận,…

Chọn loại sữa có chỉ số đường huyết thấp: Nutri cerna, Glucerna, Forticare, Nutrien Diabetes, Diben…

THỰC PHẨM HẠN CHẾ DÙNG

- Miến dong, gạo nếp (xôi, bánh nếp), bánh mì trắng, khoai củ chế biến dạng nướng.

- Các loại quả có hàm lượng đường cao: nhãn, vải, mít, chuối tiêu, lựu, sầu riêng, hồng xiêm, chôm chôm, măng cụt… và các loại quả sấy khô.

- Phủ tạng động vật: như tim, gan, cật, bầu dục, lòng… và mỡ động vật, bơ thực vật.

- Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, các loại bánh mặn, đồ hộp (cá hộp, thịt hộp), xúc xích.

THỰC PHẨM KHÔNG NÊN DÙNG

- Các loại bánh kẹo chứa nhiều đường ngọt, mứt các loại và các loại quả ngọt sấy khô.

- Hạn chế uống rượu, bia: dưới 1 đơn vị rượu/ngày đối với nữ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam (1 đơn vị = 330 ml bia = 135 ml rượu vang = 35 ml rượu mạnh).

CHỈ SỐ ĐƯỜNG HUYẾT (GI) CỦA MỘT SỐ THỰC PHẨM