Điều trị tiền phẫu thuật cho trẻ mắc dị tật khe hở môi – vòm miệng

Nhóm tác giả: Th.S Hoàng Minh Phương, TS.BSCKII Trần Tấn Tài, Th.S Nguyễn Văn Minh,

Th.S Nguyễn Lê Minh Trang, BS Hoàng Vũ Minh, KTV Lê Thị Diệu Hiền

DỊ TẬT BẨM SINH VÙNG HÀM MẶT

Khe hở môi – vòm miệng là dị tập bẩm sinh thường gặp ở vùng hàm mặt, chiếm tỷ lệ khoảng 1/1000 trong tổng số trẻ sơ sinh. Dị tật bẩm sinh khe hở môi – vòm miệng gây biến dạng mặt làm tổn thương đến tâm lý, thẫm mỹ và chức năng. Nguyên nhân gây nên dị tật là do những yếu tố ngoại lai hay nội tại tác động vào quá trình gặp nhau và gắn liền của các nụ mầm, làm cho những nụ mầm này không gắn được vào nhau, tạo ra khe hở bẩm sinh.

Quá trình điều trị và chăm sóc toàn diện cho trẻ cần bắt đầu từ khi trẻ sinh ra đến lúc trưởng thành, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: răng hàm mặt, nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, chuyên gia ngôn ngữ, chuyên gia tâm lý cùng sự phối hợp chặt chẽ của người nhà bệnh nhi. Các điều trị trong giai đoạn sơ sinh đóng một vai trò quan trọng, tạo tiền đề tốt nhất cho các giai đoạn điều trị tiếp theo của bệnh nhi. Trong đó Nasoalveolar Molding (NAM) là một phương pháp điều trị tiền phẫu thuật hiệu quả đối với những bệnh nhi có khe hở môi vòm miệng bẩm sinh.

VẬY NASOALVEOLAR MOLDING (NAM) LÀ GÌ?

Nasoalveolar Molding (NAM) là một phương pháp điều trị tiền phẫu thuật giúp tạo lại hình dáng của cung hàm, mũi, môi trước khi khe hở môi vòm miệng được phẫu thuật. Việc điều trị bằng hàm NAM có thể giảm tổng số lần phẫu thuật của trẻ bởi vì nó làm giảm sự nghiêm trọng của khe hở môi vòm miệng. Nó góp phần thu hẹp khe hở bên trong miệng, thu hẹp khoảng trống ở môi trên, nâng và thu hẹp mũi.

Phẫu thuật sẽ được thực hiện sau khi việc nắn chỉnh bằng hàm NAM hoàn tất, khi trẻ khoảng từ 3 – 6 tháng tuổi.

NAM hoạt động bằng cách điều chỉnh nhẹ nhàng hướng phát triển của cung hàm và hình dạng mũi của trẻ sau sinh. Nó được sử dụng để định dạng lại sụn mũi, mấu tiền hàm, gờ xương ổ răng về hình dạng và vị trí bình thường trong thời kỳ sơ sinh.

Bệnh nhi được đeo một hàm nhựa mỏng ôm khít vòm miệng, sống hàm và ngách tiền đình, cùng với băng dính sinh học dán hai bên má. Khí cụ này được đeo cả ngày, kể cả khi bú và có những vai trò như sau:

- Giúp trẻ bú mút dễ dàng do tạo áp lực âm trong khoang miệng (khí cụ ngăn sự thông thương giữa khoang  mũi và khoang miệng, có vai trò như vòm miệng.

- Giúp thu hẹp độ rộng khe hở môi, khe hở cung hàm, khe hở vòm miệng.

- Nâng và thu hẹp cánh mũi. Định dạng sụn mũi, mấu tiền hàm, gờ xương ổ răng.

- Ngăn lưỡi không lọt vào khe hở, không làm khe hở rộng thêm.

- Kéo dài phần môi bị ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phẫu thuật.

Lấy dấu làm hàm nhựa

Tạo thêm khí cụ nâng cánh mũi

Trẻ mang khí cụ NAM

Mỗi 1-2 tuần, trẻ sẽ được tái khám để điều chỉnh khí cụ để hướng dẫn sự phát triển theo hướng có lợi cho phẫu thuật về sau.

Trẻ tái khám điều chỉnh khí cụ NAM

Kết quả sau 3 tháng sử dụng khí cụ NAM

Kết quả sau phẫu thuật đóng khe hở môi

Điều trị toàn diện dị tật khe hở môi – vòm miệng là một quá trình dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và các bác sỹ thuộc các chuyên ngành liên quan. Nhưng nếu thực hiện đúng đắn, đúng thời điểm sẽ giúp trẻ có được một cuộc sống bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Và NAM (Nasoalveolar Molding) chính là bước đệm đầu tiên trong hành trình trả lại nụ cười cho những trẻ em kém may mắn.