Phẫu thuật COMMANDO trong điều trị ung thư amiđan xâm lấn

Phan Hữu Ngọc Minh*, Nguyễn Văn Minh*, Lê Thanh Thái*

*Khoa Tai Mũi Họng - Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế

 

Bệnh nhân T.D.G., nam, 66 tuổi, đến khám tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế vì nuốt vướng, xuất hiện khoảng tầm 1 tháng trở lại đây. Thăm khám lâm sàng phát hiện khối u vùng amidan trái kích thước lớn 45 x 25 mm, lan rộng xung quanh, bề mặt nham nhở, dễ chảy máu, bám nhiều giả mạc trên bề mặt. Kiểm tra nội soi vòm và hạ họng không thấy có tổn thương nghi ngờ kèm theo. Bệnh nhân được chụp CT Scan có thuốc cản quang phát hiện khối u tương ứng vị trí amiđan trái, bờ không đều, giới hạn không rõ, kích thước 36x34x27mm, ngấm thuốc cản quang mạnh không đồng nhất, thâm nhiễm xâm lấn xung quanh, kèm vài hạch dọc bó mạch cảnh Dmin <10mm. Kết quả sinh thiết mô bệnh học cho thấy là khối ung thư biểu mô amidan tế bào vảy sừng hóa xâm nhập.

Chẩn đoán: Ung thư biểu mô amiđan trái xâm lấn, giai đoạn III (T3NoMo). Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật COMMANDO bao gồm Cắt xương hàm dưới + Cắt bỏ rộng rãi khối u amiđan trái + Nạo vét hạch cổ chọn lọc (nhóm I , II, III, IV) + Tạo hình khuyết hổng lớn vùng họng miệng bằng vạt đảo vùng dưới hàm.

COMMANDO (Combined Mandibulectomy/Mandibulotomy Neck Dissection Operation) là phẫu thuật phức tạp, được chỉ định trong các trường hợp ung thư vùng họng miệng và hạ họng có kích thước lớn hoặc xâm lấn các vùng lân cận như khẩu cái, đáy lưỡi, hạ họng.

Phẫu thuật bao gồm:

1) Mở xương hàm dưới hoặc cắt một phần xương hàm dưới (giới hạn hoặc rộng rãi), tùy vào mức độ xâm lấn của khối ung thư)

2) Cắt bỏ rộng rãi khối u đến ranh giới an toàn. Tùy vào khuyết hổng sau khi cắt bỏ khối u, có thể tái tạo vạt bằng vạt có cuống như vạt đảo tại chổ vùng cổ, hoặc vạt tự do như vạt cẳng tay

3) Nạo vét hạch cổ “en bloc”. Trong trường hợp ung thư vùng họng miệng và hạ họng, cần sinh thiết tức thì nhóm hạch Ib và IIa, nếu âm tính thì nạo vét hạch chọn lọc tùy vào đường dẫn lưu bạch huyết của vùng tổn thương. Nếu dương tính thì cần nạo vét hạch toàn bộ.

Vừa qua, Ts.Bs Phan Hữu Ngọc Minh (chuyên khoa Tai Mũi Họng) cùng với các cộng sự đã phối hợp với ThS.Bs Nguyễn Văn Minh (chuyên khoa Răng Hàm Mặt) dưới sự chỉ đạo của Trưởng Khoa TMH-M-RHM, PGS.TS Lê Thanh Thái, cùng ekip Gây mê hồi sức của Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế đã thực hiện thành công một trường hợp phức tạp này.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, phẫu thuật phức tạp này với thời gian mổ kéo dài chỉ chỉ định đối với các trường hợp nặng, giai đoạn muộn, và vì thế có thể có những biến chứng sau mổ như nhiễm trùng hoại tử,nói khó, lệch khớp cắn, khít hàm, .... Chính vì vậy, mỗi người nên có ý thức phòng bệnh và khám định kỳ, phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh trở nặng./.