Phòng bệnh tai mũi họng thường gặp khi đi bơi ở hồ bơi trong mùa hè

.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

          - Bơi lội là sở thích của một đa số người dân, đặc biệt là về mùa hè nắng nóng

          - Mùa hè khí hậu nóng bức khó chịu, nên một số đông người thường đi bơi mong tìm cảm giác dễ chịu

         - Bơi có thể ở sông, suối, hồ bơi... Nếu chúng ta không có hiểu biết, có thể bị một số bệnh tai mũi họng thường gặp khi đi bơi trong mùa hè.

2. YẾU TỐ THUẬN LỢI:

          - Về mùa hè, có rất nhiều người đi bơi nên hồ bơi dễ bị ô nhiễm

          - Mũi họng là cửa ngõ của cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vì thế khi đi bơi trong môi trường ô nhiễm rất dễ bị mắc bệnh

          - Trong hồ bơi đông người, dễ bị ô nhiễm bởi đờm dãi, dịch mũi, thậm chí cả nước tiểu và phân của trẻ em

3. CÁC BỆNH CÓ THỂ GẶP KHI ĐI BƠI:

          - Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai, bệnh đường hô hấp

          - Bệnh về mắt, bệnh ngoài da, bệnh về tóc...

4. TRIỆU CHỨNG:

          - Viêm họng: Sau khi đi bơi về, người cảm thấy mệt mỏi, họng có cảm giác khô rát và đau, có thể có ho và sốt nhẹ hoặc sốt vừa

          - Viêm mũi xoang: Sau khi đi bơi về, người bị hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Nước mũi lúc đầu loãng, sau dần đục rồi có màu vàng hoặc xanh. Người mệt mỏi, sốt, nhức đầu và mặt

          - Viêm tai:

+ Thường gặp là viêm ống tai ngoài do nhiễm trùng  sau đi bơi, do tiếp xúc với nguồn nước bị bẩn với các triệu chứng: ngứa tai, ù tai, đau tai, nghe kém, sưng đỏ ống tai ngoài.

+ Có thể bị ù tai và nghe kém do có nút ráy tai, khi đi bơi nước vào ống tai làm nở nút ráy và làm chít hẹp ống tai ngoài.

+ Cũng có thể bị viêm tai giữa cấp do nhiễm trùng từ mũi xoang, đi theo vòi nhĩ vào tai với các triệu chứng đau tai, ù tai, nghe kém, sau vài ngày nếu không được điều trị sẽ gây chảy mủ tai.

5. PHÒNG BỆNH:

          - Chọn hồ bơi có nước sạch: lượng người tắm giới hạn, nước trong hồ bơi được lọc và thay đúng kỳ hạn (lọc thì thường xuyên, còn thay đổi nước hồ bơi: 1 đến 2 lần/năm), nước hồ bơi đúng tiêu chuẩn: pH từ 7.2 đến 7.6, nồng độ Clo (Chlorine 90% của Nhật): 1mg-3mg/lít (100g-300g/100m3). Phải kiểm tra nồng độ Clo và pH 2 lần/ngày: buổi sáng sớm và buổi chiều tối (Căn cứ theo TCVN5942-1995).

          - Có ý thức khi đi tắm trong hồ bơi: không khạc nhổ, không hỉ mũi, không tiểu tiện trong hồ bơi

          - Hạn chế nước hồ bơi vào trong mũi và họng, không để sặc nước

          - Nếu có điều kiện, nên đeo kính và đội mũ bơi

        - Sau khi ở hồ bơi lên: nên xì mũi nhẹ, nghiêng đầu và nhảy cò để nước trong ống tai ngoài tự chảy ra, không ngoáy tai mạnh gây xây xước ống tai ngoài làm dễ nhiễm trùng.

          - Tắm lại nước sạch với xà phòng tắm sau khi ở hồ bơi lên

          - Nhỏ mắt, lau tai khô và súc họng với nước muối sau khi đi bơi

          - Thời gian tắm trong hồ bơi có giới hạn (trẻ dưới 5 tuổi: < 30 phút, trẻ > 5 tuổi:< 60 phút)

6. HƯỚNG ĐIỀU TRỊ:

          - Cần theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi đi bơi để phát hiện bệnh và điều trị bệnh kịp thời

          - Khi có các triệu chứng bệnh như trên, nên nghỉ đi bơi

          - Tìm đến bác sĩ tai mũi họng để được tư vấn và điều trị đúng

          - Khi nào lành bệnh hẳn, mới được đi bơi trở lại

        - Chọn lựa hồ bơi đúng tiêu chuẩn vệ sinh: nước trong nhìn thấy đáy, không có rong rêu, ít người đi bơi, nước trong hồ bơi không có mùi vị lạ...

 

                     

                                                                                                          ThS.BSCK2. PHAN VĂN DƯNG

                                                                                                         TRƯỞNG KHOA TAI MŨI HỌNG

                                                                                             BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ