Giới thiệu Khoa Vi sinh

Ban chủ nhiệm

Trưởng khoa: PGS. TS. Lê Văn An

Phó trưởng khoa: PGS. TS. Ngô Viết Quỳnh Trâm

1. Nhiệm vụ chính của khoa Vi sinh:

- Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế

- Đào tạo vi sinh lâm sàng (lý thuyết và thực hành) cho các đối tượng đào tạo theo hình thức ngắn hạn hoặc dài hạn thuộc Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế.

- Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực vi sinh vật y học và bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật.

- Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Vi sinh vật y học.

2. Các hoạt động

2.1. Số nhân viên cơ hữu hiện nay:

Khoa Vi sinh hiện nay có 16 CBNV trong đó có 06 bác sỹ; 09 cán bộ kỹ thuật; 01 hộ lý. Hầu hết các cán bộ trong khoa đều được đào tạo chuyên môn chuyên ngành Vi sinh ở trong nước và ở nước ngoài (Đức, Ý, Pháp, Trung Quốc).

2.2. Hoạt động xét nghiệm chẩn đoán:

Khoa thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm Vi sinh lâm sàng phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

+ Các kỹ thuật chẩn đoán trực tiếp vi sinh vật như soi tươi (cặn lắng nước tiểu, phân, các dịch nội chất...): nhuộm gram, xét nghiệm vi khuẩn kháng acid cồn bằng phương pháp nhuộm Ziehl-Neelsen trực tiếp và cô đọng.

+ Các kỹ thuật huyết thanh miễn dịch học để chẩn đoán vi khuẩn giang mai, vi khuẩn lao, Chlamydia trachomatis...

+ Các kỹ thuật nuôi cấy, phân lập và định danh hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn ở người. Thực hiện xét nghiệm kháng sinh đồ với các vi khuẩn đề kháng thuốc theo quy trình chuẩn của quốc gia và quốc tế. Đối với vi khuẩn Helicobacter pylori(sử dụng kỹ thuật E-test).

+ Các xét nghiệm sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (realtime-PCR/ RT-PCR)đã được thực hiện thường quy bao gồm Real-time PCR định lượng HBV-DNA, định genotype HBV, RT-PCR định lượng HCV-RNA, chẩn đoán xác định genotype HPV, vi khuẩn Lao (Mycobacterium tuberculosis), các vi khuẩn gây nhiễm trùng sinh dục (Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae), viêm màng não do các vi khuẩn liên cầu lợn (streptococcus suis).

+ Các xét nghiệm phát hiện nhiễm trùng do SARS-CoV-2 (dịch bệnh COVID-19) bao gồm xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể IgM/IgG, xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 với bệnh phẩm từ đường hô hấp.

+ Khoa vi sinh hợp tác chặt chẽ với khoa chống nhiễm khuẩn của bệnh viện trong việc xét nghiệm kiểm soát vệ sinh bệnh viện.

2.3. Hoạt động đào tạo:

Khoa Vi sinh thực hiện các khóa đào tạo bao gồm

+ Thực hành xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật (gồm kỹ thuật xét nghiệm vi sinh vật cơ bản, xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện các vi sinh vật gây bệnh) từ 3 đến 6 tháng cho nhân viên xét nghiệm các tuyến y tế tuyến dưới.

+ Các khóa tập huấn ngắn ngày về an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm y sinh học, lấy mẫu và vận chuyển mẫu cho xét nghiệm vi sinh, kháng sinh đồ và các tập huấn nuôi cấy và định danh các vi khuẩn gây nhiễm trùng chuyên biệt khi có yêu cầu.

+ Các khóa đào tạo tập huấn ngắn ngày cho nhân viên xét nghiệm vi sinh với sự hợp tác với các đơn vị khoa học trong nước và nước ngoài.

2.4. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

Khoa Vi sinh phối hợp cùng với Bộ môn Vi sinh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực vi sinh và bệnh nhiễm trùng cấp Trường, cấp Đại học Huế, cấp Bộ, tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và các nghiên cứu hợp tác quốc tế.

Các đối tác quốc tế trong hợp tác NCKH và Đào tạo của khoa trong nhiều năm gồm CHLB Đức (viện nghiên cứu Bernhard Nocht về bệnh nhiệt đới, Hamburg), CH Ý (đào tạo cao học và NCS về lĩnh vực y sinh học với đại học Sassari), Nhật Bản (đại học Tokyo Metropolitan University), Trung quốc (Đại học Y khoa Quảng Tây), Hàn Quốc, OUCRU (Oxford University Clinical Research Unit: Đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc đại học Oxford).

+ Trên 200 bài báo khoa học đã được đăng trên các tạp chí trong nước.

+ Trên 30 bài báo đăng ở các tạp chí khoa học quốc tế.