Giới thiệu Khoa Phục hồi chức năng

1.                  Quá trình xây dựng và phát triển

Khoa Phục hồi chức năng được thành lập năm 2009 nhằm đáp ứng nhu cầu được điều trị và chăm sóc toàn diện của bệnh nhân tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Những ngày đầu thành lập, tuy điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị điều trị còn gặp nhiều khó khăn nhưng Khoa đã triển khai các kỹ thuật vật lý trị liệu cơ bản cho cả bệnh nhân ngoại trú và bệnh nhân nội trú điều trị tại các khoa lâm sàng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Bệnh viện, Khoa Phục hồi chức năng cũng đã có những bước chuyển mình đáng kể trong những năm vừa qua. Toàn bộ cán bộ Bộ môn Phục hồi chức năng của Trường đều kiêm nhiệm làm tại Bệnh viện, bên cạnh đó còn có một số cán bộ cơ hữu là kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Số lượng bệnh nhân điều trị tại Đơn vị luôn ở mức cao và có xu hướng tăng lên mỗi năm. Lĩnh vực điều trị được mở rộng, bên cạnh Vật lý trị liệu còn có Hoạt động trị liệu và Âm Ngữ trị liệu. Hoạt động hợp tác quốc tế của Đơn vị được triển khai hiệu quả với nhiều đối tác đến từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp,... góp phần không nhỏ trong việc phát triển chuyên môn và triển khai các kỹ thuật điều trị mới 

Tập thể Khoa Phục hồi chức năng

2.                  Lãnh đạo Đơn vị qua các thời kỳ:

Từ 2009-2014:

ThS.BS CKII. Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Khoa)

                         ThS.BS Bùi Thị Phước Vinh (Phó Trưởng Khoa)

Từ 2015 đến nay:

ThS.BS Hà Chân Nhân (Trưởng Khoa)

                         ThS.BS Bùi Thị Phước Vinh (Phó Trưởng Khoa)

                         ThS. BS Trần Thị Quỳnh Trang (Phó Trưởng Khoa)

3.                  Tổ chức nhân sự:

·           9 Bác sĩ (kiêm nhiệm)

·           4 KTV Vật lý trị liệu (2 cơ hữu, 2 kiêm nhiệm)                

4.                  Chức năng, nhiệm vụ:

-                    Cung cấp các dịch vụ điều trị phục hồi chức năng bao gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

-                   Thực hiện các chương trình phục hồi chức năng ngoại viện, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng nhằm giúp người bệnh, người khuyết tật tại cộng đồng có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội.

-                  Đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực thuộc chuyên ngành PHCN cho các cán bộ y tế khu vực miền Trung và các tỉnh thành khác. Là cơ sở thực hành lâm sàng cho các học viên đại học và sau đại học của Trường Đại học Y Dược Huế

-                     Tăng cường các mối quan hệ quốc tế nhằm phát triển chuyên môn và đạo tạo nhân lực

-                     Ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị

5.                  Hoạt động chuyên môn

-                     Điều trị ngoại trú:

Khoa Phục hồi chức năng là đơn vị điều trị ngoại trú cho những bệnh nhân là người lớn và trẻ em có các rối loạn về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch, hô hấp,… Việc phối hợp các phương thức điều trị vật lý như điện trị liệu, nhiệt trị liệu cùng với các phương pháp vận động trị liệu chuyên biệt cho từng dạng bệnh góp phần giúp bệnh nhân kiểm soát đau và cải thiện chức năng tốt hơn. Bên cạnh Vật lý trị liệu, Đơn vị đã triển khai các dịch vụ Hoạt động trị liệu và Âm Ngữ trị liệu. Dịch vụ Hoạt động trị liệu không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện chức năng mà còn giúp họ tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày một cách độc lập nhất có thể, giảm sự phụ thuộc vào người khác, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Khách hàng chủ yếu của Phòng Hoạt động trị liệu trong thời gian qua chủ yếu là các trẻ bại não và các dạng rối loạn phát triển khác ở trẻ em.

Âm Ngữ trị liệu là dịch vụ mới được triển khai của đơn vị từ năm 2017. Với đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, bước đầu Đơn vị đã giúp những bệnh nhân có rối loạn về ngôn ngữ và lời nói như tự kỷ, khiếm thính, chậm phát triển ngôn ngữ,… có cơ hội được tập luyện và cải thiện chức năng giao tiếp tốt hơn.

-                     Điều trị phối hợp cho bệnh nhân nội trú tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện:

Với quy mô gần 800 giường, nhu cầu điều trị phục hồi chức năng của các bệnh nhân nội trú là rất cao, đặc biệt là các khoa chấn thương chỉnh hình, tim mạch, ngoại thần kinh, ung bướu, ICU,… Việc điều trị phục hồi chức năng phối hợp giúp bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, sớm phục hồi và cải thiện tình trạng chức năng.

6.                  Định hướng phát triển:

-                     Hoàn thiện các kỹ thuật vật lý trị liệu đang triển khai, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như vật lý trị liệu hô hấp, tim mạch, sản khoa, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư,…

-                     Mở rộng đối tượng và kỹ thuật can thiệp Hoạt động trị liệu và Âm Ngữ trị liệu, cho cả trẻ em và người lớn.

-                     Tăng cường thực hiện chương trình phục hồi chức năng sớm cho các dạng bệnh cấp tính như đột quỵ, chấn thương, bệnh nhân nặng tại ICU,…

-                     Tổ chức thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng ngoại viện, PHCN  cho người bệnh, người khuyết tật tại cộng đồng..
    

Vật lý trị liệu

                

Âm Ngữ trị liệu

     Hoạt động trị liệu

        

           PHCN tại cộng đồng