Xử trí cấp cứu nhiễm trùng xâm lấn sâu vùng hàm mặt: Case lâm sàng khó và ít gặp

Hố chân bướm hàm là một hố nhỏ nằm ngay sau xoang hàm, có chứa nhiều cấu trúc quan trong như: động mạch hàm và các nhánh của nó (động mạch bướm khẩu cái, động mạch khẩu cái xuống…), dây thần kinh hàm trên, hàm dưới, hạch bướm khẩu cái, đám rối tĩnh mạch chân bướm… Hố chân bướm hàm có giới hạn phía ngoài là cành lên xương hàm dưới, phía trong là cơ chân bướm trong và thành bên hầu, phía trên là nền sọ, phía trước là lồi củ xương hàm trên, phía dưới và sau là khoang bên hầu, vùng dưới hàm, vùng mang tai. Abscess hố chân bướm hàm là một bệnh lý viêm nhiễm sâu vùng hàm mặt, có nguy cơ lan đến các cơ quan quan trọng như nền sọ, hố mắt hoặc vỡ mủ vào khoa hầu họng gây nên dị vật đường thở. Nếu không xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân trong thời gian ngắn (mức độ nghiêm trọng độ 4).

Vừa qua, khoa TMH-M-RHM Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi, vào viện vì một khối sưng vùng tuyến mang tai trái. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán ban đầu là viêm tuyến nước bọt mang tai trái. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội khoa tích cực. Qua quá trình điều trị nội khoa 7 ngày, bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, đồng thời tình trạng bệnh nhân có diễn biến nặng lên. Khối sưng vùng mang tai trái nề đau, thể trạng bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, đau đầu nhiều gây mất ngủ có dấu hiệu há miệng hạn chế. Th.s Bs Nguyễn Văn Minh – Phó khoa TMH-M-RHM, phụ trách Răng Hàm Mặt đã tiến hành hội chẩn, chụp khẩn phim CT Scan. Trên phim phát hiện một khối Abscess ở hố chân bướm khẩu cái bên trái, lan rộng vào nền sọ và chèn ép thành bên hầu. Nhận thấy đây là một bệnh cảnh nặng, cần tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Sau khi đã hội chẩn với PGS.TS. Lê Thanh Thái, trưởng khoa TMH-M-RHM, Th.s Minh cùng ê kíp BS phẫu thuật khoa RHM phối hợp với BS khoa Gây mê - Hồi sức tiến hành phẫu thuật dẫn lưu áp xe hố chân bướm hàm qua đường rạch sau hàm dưới gây mê nội khí quản. Phẫu thuật dẫn lưu ra ngoài được 200ml mủ đặc, màu socola, mùi thối. Ổ abscess tiếp tục được dẫn lưu qua đường phẫu thuật bằng ống dẫn lưu.

Phim CT Scan

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh cải thiện nhanh chóng sau 24h. Triệu chứng đau đầu giảm rõ rệt, bệnh nhân há miệng tốt, ăn uống được sau 3 ngày . Thể trạng bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa theo kháng sinh đồ, bơm rửa dẫn lưu hàng ngày. Một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

Tình trạnh bệnh nhân 24h sau phẫu thuật

Tình trạng bệnh nhân lúc ra viện

Viêm nhiễm tổ chức liên kết (abscess) vùng hàm mặt là nhiễm trùng thường gặp. Bệnh tiến triển nhanh, ở vị trí giải phẫu nguy hiểm (hố chân bướm hàm, nền sọ, thành bên họng, sàng miệng...) có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Do vậy cần theo dõi sát tiến triển bệnh để có kế hoạch xử trí kịp thời, mang lại kết quả điều trị tốt cho bệnh nhân.

Th.S Nguyễn Văn Minh, BS. Hoàng Vũ Minh

Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế