Phát ban do dị ứng thuốc: Nhận diện, xử trí và dự phòng

Việc sử dụng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và chăm sóc sức khoẻ của người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thuốc đem lại, sự tiềm ẩn của các nguy cơ về tác dụng phụ của thuốc là luôn hiện hữu. Trong đó phát ban do dị ứng thuốc là một trong những tác dụng phụ không thể dự đoán trước được và có độ nguy hiểm cao đối với sức khoẻ người bệnh. Vì vậy khi sử dụng thuốc, cán bộ y tế cũng như người bệnh cần biết cách nhận diện các dấu hiệu của dị ứng thuốc để có thái độ xử trí kịp thời và biết cách dự phòng về sau.

Phát ban do do dị ứng thuốc có các đặc điểm sau:

  • Không dự đoán trước được
  • Xuất hiện kể từ lúc sử dụng lại thuốc dị ứng lần thứ 2
  • Tái lập lại việc sử dụng thuốc dị ứng sẽ làm cho đợt phát ban sau nặng nề và nguy hiểm hơn
  • Tính không đặc hiệu giữa thuốc và phát ban dị ứng thuốc:
    • Một loại thuốc có thể gây nhiều dạng phát ban khác nhau
    • Nhiều thuốc khác nhau có thể gây ra cùng một dạng phát ban dị ứng
    • Một phát ban dị ứng có thể do nguyên nhân từ thuốc hoặc từ nguyên nhân khác ngoài thuốc: thức ăn, virus…
  • Có nhiều dạng phát ban khác nhau có liên quan do thuốc: phát ban dát sẩn, hồng ban cố định nhiễm sắc, mày đay, hồng ban đa dạng, hội chứng Steven Johnson, hội chứng Lyell…

Dấu hiệu của dị ứng thuốc: Có biểu hiện kèm phát ban da hoặc không:

  • Dị ứng thuốc không kèm phát ban da: sốc phản vệ là phản ứng dị ứng thuốc nặng nề nhất, nhanh nhất với nguy cơ tử vong cực kỳ cao: khó dự phòng.
  • Dị ứng thuốc kèm phát ban da: đây chính là dấu hiệu giúp chúng ta nhận diện tình trạng dị ứng thuốc để có hướng xử trí và dự phòng. Biểu hiện thường xuất hiện sau khi sử dụng thuốc từ vài giờ đến vài tuần gồm:
    • Triệu chứng cơ năng: khó thở, sốt, ngứa, đau rát
    • Tổn thương niêm mạc miệng, mắt, mũi, sinh dục: trợt loét, xuất tiết dịch, nhiễm trùng thứ phát
    • Ban da:
      • Khu trú hay lan toả toàn thân
      • Ban đỏ, phù nề, có thể kèm vảy da hoặc mụn nước, bọng nước
      • Ban đỏ thẫm hình tròn hay oval màu hơi đen xuất hiện lặp lại cùng vị trí khi sử dụng lại cùng 1 loại thuốc.
      • Trợt da trên nền da viêm đỏ

Phát ban dát sẩn là dạng biểu hiện dị ứng thuốc thường gặp nhất

Hồng ban cố định nhiễm sắc

Hội chứng Lyell: hoại tử thượng bì nhiễm độc do thuốc

Xử trí khi xuất hiện ban da nghi ngờ dị ứng thuốc:

  • Ngừng lập tức việc sử dụng thuốc.
  • Tuyệt đối không tự mua thuốc chống dị ứng để tự điều trị.
  • Đến ngay cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Mang theo tất cả các thuốc đang sử dụng khi đến khám.

Dự phòng dị ứng thuốc:

  • Sử dụng thuốc đúng mục đích, không lạm dụng những thuốc không cần thiết để tránh việc khó xác định loại thuốc bị dị ứng (thường bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc cùng một thời điểm sẽ khó xác định chính xác loại thuốc bị dị ứng).
  • Lưu lại tất cả đơn thuốc đã dùng từ trước đến nay trong 1 sổ khám bệnh để tiện xác định loại thuốc dị ứng.
  • Không tự ý ra quầy thuốc mua thuốc để điều trị bệnh vì không có thông tin về loại thuốc, nếu có dị ứng cũng khó xác định được dị ứng thuốc nào.
  • Luôn mang tấm giấy ghi tên thuốc đã xác định dị ứng của bản thân bên người.
  • Báo cáo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc (nếu có), tên loại thuốc dị ứng (nếu đã xác định được) để bác sĩ kê đơn sau lưu ý tránh các nhóm thuốc nguy cơ dị ứng cao và có biện pháp theo dõi hợp lý.
  • Mỗi khi sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý phát hiện bất thường da, niêm mạc mới xuất hiện để kịp thời báo nhân viên y tế có hướng chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Để giúp cho bác sĩ đưa ra hướng chẩn đoán chính xác, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về việc sử dụng thuốc của bản thân. Bác sĩ chuyên khoa Da Liễu là người có chuyên môn trong việc nhận diện các loại phát ban da nghi do dị ứng thuốc. Do đó, nếu không phải tình trạng cấp cứu, người bệnh khi nghi ngờ về tình trạng dị ứng thuốc của mình nên đến khám đúng chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Kara Heelan, Cathrin Sibbald, Neil H. Shear (2019), “Cutaneous reaction to drugs”, Fitzpatrick’s Dermatology, 9th edition, pp 749-764.
  2. William D. James, Dirk M. Elston, James R. Treat, Misha A. Rosenbach, Isaac M. Neuhaus (2020), “Contact dermatitis and drug eruptions”, Andrews’ diseases of the skin: clinical dermatology, 13th edition, chapter 6, pp 112-139.
  3. https://www.healthline.com/health/drug-allergy-symptoms#call-your-doctor

ThS. BS. Nguyễn Thị Trà My

Phòng khám Da liễu - Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế