Mở cạnh cổ dẫn lưu ổ nhiễm trùng cổ sâu ở bệnh nhân áp-xe tuyến giáp nhiễm khuẩn Klebsiella: Thách thức điều trị

Tiến sĩ, Bác sĩ PHAN HỮU NGỌC MINH

Khoa Tai Mũi Họng - M - RMH, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế

Nhiễm trùng cổ sâu là bệnh lý nhiễm trùng các khoang sâu của vùng đầu mặt cổ, có khả năng lan tỏa theo các khoảng cân cơ. Mặc dầu kháng sinh đã góp phần làm hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tuy nhiên việc điều trị vẫn còn là một thách thức thực sự. Sự lan tỏa nhanh chóng từ khoang này sang khoang khác gây nguy hiểm cho người bệnh. Đường vào của những ổ nhiễm trùng khoang sâu này thường từ răng miệng hoặc họng miệng.Những tổ chức mô hay khoang bị viêm có thể tạo thành những ổ áp-xe hoại tử hay sinh hơi. Vi khuẩn gây bệnh thường phối hợp nhiều chủng loại và có sự đề kháng kháng sinh. Những yếu tố thuận lợi gây bệnh bao gồm những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, đang điều trị kháng viêm corticoid kéo dài,…[2].

Mục đích của việc điều trị là kiểm soát được tình trạng bệnh nhân để tránh gây những biến chứng và sự lan rộng ổ viêm về phía trung thất. Điều này có nghĩa là cần sự phối hợp điều trị của nhiều chuyên khoa bao gồm điều trị ngoại khoa và hồi sức tích cực. Mục đích của điều trị ngoại khoa nhằm lấy bỏ những tổ chức hoại tử và dẫn lưu những ổ tụ mủ được phát hiện thông qua các xét nghiệm hình ảnh CT Scan có thuốc cản quang, xác định vi khuẩn nguyên nhân gây bệnh.

Viêm tuyến giáp cấp mủ áp-xe hóa là bệnh lý hiếm gặp với những biểu hiện không điển hình. Vì vậy, chẩn đoán thường chậm trễ, dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng do chèn ép vào đường thở. Áp-xe tuyến giáp là bệnh lý hiếm gặp là do các đặc điểm về sinh lý và giải phẫu đặc trưng của tuyến giáp, như là: dẫn lưu bạch huyết tốt, là môi trường giàu khoáng chất i-ốt, sản xuất oxy già H2O2 ngay trong tuyến, tuyến được bao bọc bởi lớp vỏ rõ ràng, và là nơi giàu mạch máu [1]  Bệnh nguyên thường gặp là vi khuẩn Gram dương như Tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Phế cầu Streptococcus pneumoniae. Vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn kỵ khí cũng ít gặp trong bệnh lý áp-xe tuyến giáp. [3]

Chúng tôi mô tả một trường hợp bệnh cấp cứu đồng thời áp-xe tuyến giáp kèm nhiễm trùng cổ sâu ở khoang trước sống và khoang nguy hiểm. Bệnh nhân nữ Đ.T.N. Hương, 56t, có bệnh lý đái tháo đường không điều trị thường xuyên. Bệnh nhân không có tiền sử hóc xương, không có tiền sử bệnh lý tuyến giáp trước đó. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt đau, kèm sưng nề vùng cổ, sờ thấy khối cứng, sẫm màu, không di động. Siêu âm vùng cổ cho kết quả vùng sau trên thùy giáp trái, trước thực quản có ổ tụ dịch nhiều hồi âm, giới hạn ít rõ, kích thước 23x30x51mm. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy ổ áp-xe mô mềm lan rộng thành sau họng, kích thước 27 x 13mm, thâm nhiễm xung quanh. Bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu hai ổ áp-xe tránh gây biến chứng chèn ép đường thở và tránh gây nhiễm trùng lan tỏa vào trung thất, nguy hiểm đến tính mạng. Chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh dựa vào kết quả lấy dịch mủ nuôi cấy, cho thấy nhiễm khuẩn Klebsiella pneumoniae có ESBL dương tính (men beta lactamase phổ rộng). Điều này có nghĩa vi khuẩn kháng lại rất nhiều các kháng sinh. Đây là gánh nặng thực sự trong điều trị nhiễm trùng trực khuẩn Gram âm, gia tăng chi phí điều trị do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền. Hiện tại, tình trạng nhiễm trùng và áp-xe được điều trị ổn định sau khi mở cạnh cổ dẫn lưu và điều trị phối hợp kháng sinh tích cực kèm súc rửa chăm sóc hố mổ hằng ngày.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn PGS Thái và các bác sĩ Gây mê đã phối hợp với ekip cấp cứu của Khoa Tai Mũi Họng (Ts Minh A, Bs Nhật và các học viên BSNT) thực hiện nhanh chóng và kịp thời, giải quyết tình trạng nhiễm trùng lan tỏa cho bệnh nhân. 

Tài liệu tham khảo

1.                  Herndon MD, Christie DB, Ayoub MM, Duggan AD. Thyroid abscess: case report and review of the literature. Am Surg. 2007;73(7):725–8.

2.                  Kania R, Herman P, Sauvaget E et al. Cellulites cervico-faciales. Les infections pharyngées. Les monographies Amplifon. Ed 2014; 53-81.

Sun JH, Chang HY, Chen KW, Lin KD, Lin JD, Hsueh C. Anaerobic thyroid abscess from a thyroid cyst after fine needle aspiration. Head Neck. 2002;24(1):84–6.