Kết hợp chất làm đầy và tái tạo bề mặt trong điều trị sẹo rỗ do mụn trứng cá

Lê Thị Cao Nguyên, BM Da liễu - Đại học Y Dược Huế

1. GIỚI THIỆU

Mụn trứng cá là bệnh lí viêm đơn vị nang lông tuyến bã mạn tính, rất phổ biến, ảnh hưởng đến 90% các bé trai và 80% bé gái 16 -17 tuổi [1]. Phần lớn các trường hợp mụn trứng cá phục hồi sau 25 tuổi nhưng khoảng 1% nam giới và 5% nữ giới vẫn tồn tại cho đến tuổi 40 [1]. Nguyên nhân gây mụn trứng cá do sự tương tác của nhiều yếu tố bao gồm: nội tiết tố androgen, rối loạn sừng cổ nang lông, vi khuẩn P. acnes[1, 2]. Di chứng thường để lại sau thời gian mắc bệnh mụn trứng cá là sẹo. Sẹo xuất hiện sớm trong mụn trứng cá và có thể ảnh hưởng đến khoảng 95% bệnh nhân mắc bệnh này. Sẹo liên quan đến mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và sự chậm trễ trước khi điều trị bệnh[3]. Tất cả các loại mụn trứng cá, từ các sẩn đến các nang, cục, bọc đều có thể tạo sẹo nên cần phải được điều trị đầy đủ và bắt đầu sớm[3].

2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SẸO

Sẹo thường xảy ra thông qua các giai đoạn cụ thể của quá trình tái tạo vết thương: viêm, tăng sinh và tái tạo tổ chức. Cả ba giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng (bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình liền sẹo đều ảnh hưởng đến diễn biến bình thường cũng như chất lượng của sẹo)[4, 5].

+ Quá trình tạo sẹo thực sự xảy là do hậu quả của quá trình viêm sâu trong mụn trứng cá. Mức độ và hình thái sẹo cũng phụ thuộc vào hình thái và mức độ viêm của mụn trứng cá[6].

+ Đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân dễ tạo sẹo có thể khác với người không tạo sẹo [6].

+ Mất cân bằng quá trình tăng tạo, tích luỹ và thoái biến collagen trong quá trình sửa chữa tổ chức sinh ra các loại hình sẹo phì đại, sẹo lồi hoặc sẹo lõm[6].

3. PHÂN LOẠI SẸO DO MỤN TRỨNG CÁ

- Sẹo phì đại và sẹo lồi: kích thước thay đổi từ các sẩn sẹo nhỏ, hoặc lớn>5mm, lồi trên bề mặt, có thể gây co kéo. Vị trí thường gặp: mũi, vùng xương hàm dưới, cằm, ngực, vai[6, 7].

- Seọ lõm: bề mặt lõm hơn so với bề mặt da, hình thái đa dạng

+ Sẹo đáy nhọn (icepick scar): sẹo khá sâu, hình thái như một vật nhọn đâm vào da và hẹp với đường kính < 2mm, dài hơn khoảng 0,5mm. Vị trí xuất hiện nhiều: ở vùng má, trán[3, 7].

+ Sẹo đáy hộp (box scar): còn gọi là sẹo đáy vuông,chân sẹo tương đối nông và bằng, đường kính khoảng 2-4mm, chiều sâu khoảng 1,5mm,  xuất hiện ở vùng má và thái dương[3][7]

+ Sẹo đáy tròn (rolling scar): Sẹo đáy tròn được hình thành do mụn trứng cá viêm, phần u nang ăn sâu vào lớp trung bì gây phá hủy rộngvà tạo thành mô sẹo xơ, co kéo. Khi tuổi càng cao, sẹo này sẽ biến chứng càng nặng. Loại sẹo này có chân sâu và miệng rộng hơn 4-5mm, thường gặp 2 bên má, vùng hàm dưới[3].

4.  CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SẸO MỤN TRỨNG CÁ

4.1. Lột hoá chất

Mục đích: tái tạo bề mặt bằng hoá chất nồng độ khác nhau tuỳ mức độ lột khác nhau

- Trichloroacetic acid (20-35%): sẹo đáy hộp, sẹo mụn không có tổn thương do mụn hoạt động

- TCA Cross (70-100%): áp dụng cho sẹo đáy nhọn là phổ biến

- Glycolic acid: sẹo đáy hộp, dát thâm, sẹo mụn không có tổn thương do mụn hoạt động

- Axit pyruvic: sẹo đáy hộp, dát thâm kèm tổn thương do mụn hoạt động

- Salicylic acid: sẹo mụn kèm các tổn thương do mụn hoạt động

4.2. Lăn kim và lăn kim RF

Mục đích: tạo vi tổn thương cơ học đến trung bì, độ sâu  0.5-2 cm tuỳ vùng da, sửa chửa sẹo lõm do tăng tạo các yếu tố tăng trưởng, kích thích sản suất collagen và elastin.

Phương pháp lăn kim và lăn kim RF được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả tương đối tốt. Số lần điều trị phù thuộc tuỳ đáp ứng của bệnh nhân (3-6 lần).

4.3. Laser bóc tách

Mục đích: tạo các cột tổn thương vi điểm bằng hiệu ứng quang nhiệt và kích thích lành da nhanh và tái tạo bề mặt da kèm tăng sinh collagen và elastin. Các loại laser bóc tách vi điểm như laser CO2 vi điểm, laser Erbium vi điểm… được ứng dụng khá rộng rãi và mang lại hiệu quả tốt. Lựa chọn và chỉ định mỗi loại laser với độ sâu, năng lượng khác nhau để phù hợp các loại sẹo rỗ.

4.4. Laser không bóc tách

Các phương tiện khác hỗ trợ điều trị sẹo sau mụn như FPDL, IPL, LP 1064 nm laser, QS 1064 nm laser, 1320 nm laser and 1450 nm laser. Các loại sẹo thích hợp như dát thâm, hồng ban, sẹo thâm lõm nhẹ.

4.5. PRP và mesotherapy

PRP, acid hyaluronic, và các dạng amin peptides khác được chỉ định điều trị kết hợp kèm tái tạo bề mặt ( peel, laser, lăn kim) cho các loại seọ đáy hộp, đáy nhọn, đáy tròn. Vùng sẹo thường ảnh hưởng diện rộng (> 30 %  diện tích khuôn mặt).

4.6.  Cắt đáy sẹo, punch, punch graff

- Cắt đáy sẹo thích hợp cho sẹo đáy tròn, sẹo co kéo bề mặt da ít thay đổi. Sử dụng kim chuyên dụng Norkor 18G tách đáy sẹo bên dưới, giải phóng sự co kéo. Chống chỉ định trên các bệnh nhân có nhiễm trùng và sẹo lồi. Cắt đáy sẹo thường gây bầm, sưng nề. Cắt đáy sẹo đơn độc thường không tiên lượng được hiệu quả cao cho điều trị sẹo, có thể kết hợp các phương pháp khác để tăng hiệu quả: tái tạo bề mặt và chất làm đầy.

- Punch (đục lỗ): phù hợp cho các sẹo đáy hộp lõm sâu, kích thước nhỏ. Có thể cắt và khâu lại. Hiệu quả cao, tuy nhiên không sử dụng trên vùng da mật độ sẹo dày đặc.

- Punch graff: Ứng dụng trên các sẹo đáy hộp kích thước lớn và lõm sâu, bề mặt sẹo xấu. Khối mô hiến được đục lỗ tại các vùng da khác như mặt trong đùi. Sau khi punch, khối sẹo được cắt nâng lên và thay thế vùng đục lỗ sẹo xấu. Cắt chỉ sau 1 tuần. Hiệu quả điều trị cao.

4.7. Chất làm đầy

Chất làm đầy tuỳ thuộc vào độ sâu và hình dạng seọ được lựa chọn thích hợp (độ cứng, kích thước, liên kết chéo) cho từng vùng sẹo mục tiêu. Dạng chất làm đầy tạm thời có thể acid hyaluronic, Polymethylmethacrylate (PMMA), các chất bán vĩnh viễn Calcium hydroxylapatite  và Poly-L-lactic acid cũng được chọn lựa. Các chất làm đầy trên còn có tác dụng gia tăng tổng hợp collagen. Như vậy chất làm đầy rất hiệu quả trong hỗ trợ điều trị các dạng sẹo teo và vùng ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, cấy mỡ tự thân cũng là lựa chọn tối ưu cho các vùng thiếu hụt trên gương mặt.

4.8.  Kết hợp chất làm đầy và cắt đáy sẹo rỗ trong điều trị sẹo rỗ

- Điều trị sẹo rỗ do mụn trứng cá cần kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả. Cắt đáy sẹo và kết hợp chất làm đầy cũng như các phương pháp tái tạo bề mặt để đạt hiệu qủa cao hơn. Cắt đáy sẹo và kĩ thuật punch được sử dụng trong nhiều thập kỉ để điều trị sẹo teo, lõm và sẹo sâu. 

+ Chỉ định: sẹo đáy tròn, sẹo đáy hộp sâu, kích thước lớn, co kéo

+ Chống chỉ định: nhiễm trùng, cơ địa sẹo lồi, rối loạn đông chảy máu, các bệnh lý nền mạn tính khác.

- Phương pháp:

+ Chuẩn bị bệnh nhân, vô khuẩn vùng cần điều trị

+ Đánh dấu vùng sẹo cần điều trị, chuẩn bị dụng cụ, kim chuyên dụng và chất làm đầy

+ Tiêm tê tại chỗ, nên kết hợp ( lidocain+ epinephrine) để giảm chảy máu và bầm

+ Sử dụng kim chuyên dụngkim 18G, 20 G hoặc Norkor 18G, đưa xuyên qua trung bì sâu và tiến hành cắt đáy sẹo theo hình nan quạt hoặc đi chuyển tiến- lùi. Nặn máu và dịch qua lỗ vào để tránh tạo ổ/khoang bầm máu. Sau khi cắt xong nên đè ép 5-10 phút để hạn chế chảy máu và giúp cầm máu. Thận trọng các vùng sẹo thái dương, hàm, rãnh mũi má, tránh tổn thương các mạch máu lớn.

+ Tiêm chất làm đầy Acid hyaluronic, hoặc các chất làm đầy tự thân vào vùng vừa cắt đáy sẹo với lượng thích hợp 0.2-0.5 ml giúp nâng đáy sẹo, tạo khoang, tránh dính và co kéo trở lại sau khi lành thương. Cẩn thận tránh tiêm vào mạch máu.

+ Khâu lại miệng vết thương nơi lỗ vào kim Norkor 18G

- Biến chứng thường gặp: xuất huyết, bầm máu, sưng nề.

6. KẾT LUẬN

Sẹo do mụn trứng cá là một trong những di chứng phổ biến của bệnh mụn trứng cá ở độ tuổi vị thành niên và có nhiều tác động tiêu cực đến bệnh nhân. Sẹo có thể làm ảnh hưởng đến thẫm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân mặc cảm tự ti, hạn chế giao tiếp xã hội và ảnh hưởng thành công trong cuộc sống. Điều trị sẹo rỗ do mụn trứng cá cần kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả. Cắt đáy sẹo được sử dụng trong nhiều thập kỉ để điều trị sẹo teo và sẹo sâu. Cắt đáy sẹo là thủ thuật an toàn, mang lại kết quả lâu dài, rất hiểu quả trên sẹo đáy tròn.Cắt đáy sẹo và kết hợp chất làm đầy cũng như các phương pháp tái tạo bề mặt (lột, lăn kim, laser vi điểm bóc tách) để đạt hiệu qủa cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Fabbrocini, G., et al., Acne Scars: Pathogenesis, Classification and Treatment. Dermatology Research and Practice, 2010. 2010: p. 893080.

2.         Tan, J., S. Kang, and J. Leyden, Prevalence and Risk Factors of Acne Scarring Among Patients Consulting Dermatologists in the USA. J Drugs Dermatol, 2017. 16(2): p. 97-102.

3.         Kravvas, G. and F. Al-Niaimi, A systematic review of treatments for acne scarring. Part 1: Non-energy-based techniques. Scars Burn Heal, 2017. 3: p. 2059513117695312.

4.         Fabbrocini, G., et al., Acne scars: pathogenesis, classification and treatment. Dermatol Res Pract, 2010. 2010: p. 893080.

5.         Bhargava, S., et al., Acne Scarring Management: Systematic Review and Evaluation of the Evidence. Am J Clin Dermatol, 2018. 19(4): p. 459-477.

6.         Tosti, A.E., Pia De Padova, M. (Ed.), Fabbrocini, G. (Ed.), Beer, K. R. (Ed.). (2019). Acne Scars. Boca Raton: CRC Press, https://doi.org/10.1201/9781315179889, Acne Scars. 2019.

7.         Goodman, G.J. and J.A. Baron, Postacne scarring--a quantitative global scarring grading system. J Cosmet Dermatol, 2006. 5(1): p. 48-52.

8.         Handog, E.B., M.S. Datuin, and I.A. Singzon, Chemical peels for acne and acne scars in asians: evidence based review. J Cutan Aesthet Surg, 2012. 5(4): p. 239-46.

9.         Kontochristopoulos, G. and E. Platsidaki, Chemical peels in active acne and acne scars. Clin Dermatol, 2017. 35(2): p. 179-182.

10.       Chandrashekar, B.S., et al., Evaluation of microneedling fractional radiofrequency device for treatment of acne scars. J Cutan Aesthet Surg, 2014. 7(2): p. 93-7.

11.       Lan, T., et al., Treatment of atrophic acne scarring with fractional micro-plasma radio-frequency in Chinese patients: A prospective study. Lasers Surg Med, 2018. 50(8): p. 844-850.

12.       Saeed, A.H. and S. Alsaiari, The efficacy of fractional CO2 laser resurfacing in the treatment of facial acne scars. International Journal of Medical Science and Public Health, 2018. 7: p. 1.

13.       Gozali, M.V. and B. Zhou, Effective treatments of atrophic acne scars. J Clin Aesthet Dermatol, 2015. 8(5): p. 33-40.

14.       Basta-Juzbašić, A., Current therapeutic approach to acne scars. Acta Dermatovenerol Croat, 2010. 18(3): p. 171-5.

15.       Chandrashekar, B. and A. Nandini, Acne scar subcision.J Cutan Aesthet Surg, 2010. 3(2): p. 125-6.

16.       Soliman, Y.S., et al., Update on acne scar treatment. Cutis, 2018. 102(1): p. 21;25;47;48.