Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phẫu thuật cắt gan kiểm soát cuống Glisson theo Takasaki

ThS.BS. Nguyễn Minh Thảo

Khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là nguyên nhân của một trong những trường hợp tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Ung thư biểu mô tế bào gan có nguồn gốc từ tế bào gan và xảy ra trong hơn 80% các trường hợp ung thư gan (Jemal, 2011).

Theo dữ liệu do GLOBOCAN ước tính cho thấy khoảng 782.000 ca mắc mới và 745.000 ca tử vong do ung thư gan trên toàn thế giới. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi HCC là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 do ung thư (Ferlay và cộng sự, 2015).

Trong giai đoạn sớm, các phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt gan, ghép gan và đốt sóng cao tần có thể cải thiện khả năng sống của bệnh nhân. Điều trị tắc mạch bằng hóa chất được chỉ định cho giai đoạn trung gian, trong khi bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển có thể được điều trị bằng Sorafenib. Cuối cùng, bệnh nhân ở giai đoạn cuối được điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Phẫu thuật cắt gan là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn sớm chưa xơ gan. Ở những bệnh nhân xơ gan, phẫu thuật cắt gan chỉ được chỉ định trong những trường hợp chức năng gan được bảo tồn, nốt đơn độc và không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm thay đổi từ 50 đến 75% ở những bệnh nhân phẫu thuật cắt gan, nhưng tỷ lệ tái phát (khối u phát triển và di căn) có thể lên tới 50% (Bruix và cộng sự, 2011). Do đó, phẫu thuật cắt bỏ không được khuyến cáo đối với HCC đã xâm lấn mạch máu hoặc di căn của khối u (Maida và cộng sự, 2014).

Ngoài ra, phẫu thuật cắt gan cũng được lựa chọn điều trị cho một số bệnh lý ác tính đường mật trong gan, các bệnh lý sỏi mật trong gan kèm chủ mô gan xơ teo…

Ngày nay, phương pháp tiếp cận cuống Glisson trong cắt gan theo Takasaki điều trị HCC được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như trong nước. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy ưu điểm của kiểm soát cuống Glisson theo Takasaki trong cắt gan là rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu mất trong mổ và giảm tỷ lệ biến chứng.

Hiện tại, với kinh nghiệm lâu năm trong phẫu thuật cắt gan, với số lượng bệnh nhân ác tính gan mật hằng năm trên dưới 50 trường hợp. Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế với đội ngũ y bác sĩ gồm 1 PGS.TS, 4 Tiến sĩ, 5 thạc sĩ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã sử dụng nhiều phương tiện máy móc hiện đại để điều trị cho bệnh nhân với kết quả tốt với nhiệm vụ điều trị bệnh nhân miền Trung và Tây nguyên cũng như đào tào nguồn nhân lực y tế cho vùng miền này bao gồm đào tạo nghiên cứu sinh; bác sĩ chuyên khoa cấp I, II; thạc sĩ; bác sĩ chuyên khoa định hướng…

 

Vị trí các cuống Glisson đi vào gan. Nguồn “Ken Takasaki (2007),
Glissonean Pedicle Transection Method for Hepatic Resection, Fig. 5.5.Direction in which Glissonean pedicles enter the liver, p.33”.

Hình 1. A. Hình ảnh u gan phân thùy trước. B. Diện cắt gan phân thùy trước

Hình 2. Hình ảnh trong mổ cắt gan phân thùy sau.

Hình 3. A. Diện cắt gan hạ phân thùy 4 trong mổ. B. Vị trí thiếu máu phân thùy sau sau khi thắt cuống phân thùy sau. C. Bệnh phẩm u gan 2 vị trí sau mổ cắt gan phải.

Hình 4. A. Phẫu tích cuống hạ phân thùy 6 Takasaki ( đầu sonde màu xanh). B. Bộc lộ cuống hạ phân thùy 6. C. Diện thiếu máu đã đánh dấu ở hạ phân thùy sáu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ferlay J, Soerjomataram I, Dikshit R, et al. Cancer incidence and mortality worldwide:Sources, methods and major patterns in GLOBOCAN 2012. Int J Cancer. 2015;136:359–86.
  2. Forner A, Llovet JM, Bruix J. Hepatocellular carcinoma. Lancet. 2012;379:1245–55. 
  3. Forner A, Gilabert M, Bruix J, Raoul JL. Treatment of intermediate-stage hepatocellular carcinoma. Nat Rev Clin Oncol. 2014;11:525–35. 
  4. Jemal A, Bray F, Center M, et al. Global cancer statistics. CA Cancer J Clin. 2011;61:69–90. 
  5. Maida M, Orlando E, Cammà C, Cabibbo G. Staging systems of hepatocellular carcinoma:a review of literature. World J Gastroenterol. 2014;20:4141–50.