Những thành tựu của Bệnh viện Đại học Y Dược huế

.

 Những thành tựu của Bệnh viện Đại học Y Dược huế

 

NHỮNG THÀNH TỰU Y HỌC NĂM 2016

 

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là một điểm sáng về y đức trong suốt thời gian qua, thể hiện qua thái độ phục vụ và sự quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh; được nhiều cơ quan, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ghi nhận, khen ngợi. Bệnh viện là một trung tâm y học đã tận dụng được nguồn nhân lực quý báu của cả Trường, với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao của tất cả các chuyên ngành, tạo được nhiều thành tựu trong khám chữa bệnh chuyên sâu. Đặc biệt, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là đơn vị đã và đang khai thác có hiệu quả các hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển các chuyên ngành mũi nhọn chuyên môn, chuyên sâu mang tầm quốc gia và khu vực. Với nhiều Trung tâm, Đơn vị tại Bệnh viện có chuyên môn cao như Trung tâm nội tiết sinh sản và vô sinh, Trung tâm tim mạch, Trung tâm nội soi tiêu hóa, Trung tâm y học gia đình, Trung tâm Âm ngữ trị liệu… Bệnh viện đã và đang làm chủ các kỹ thuật điều trị y học tiên tiến của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân có nhu cầu khám và chữa bệnh.

1.Ứng dụng kỹ thuật cao trong sàng lọc bệnh lý tiền sản giật - sản giật

Ba nội dung nghiên cứu có tính chất đón đầu và chuyên sâu về bệnh lý tiền sản giật - sản giật gồm: Nghiên cứu mô hình dự báo bệnh - Nghiên cứu quy trình chuẩn xác định biến dị di truyền và biểu hiện mRNA ở một số gen liên quan - Nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị dự phòng, cùng những dữ liệu nghiên cứu trong đề tài này được trình Bộ Y tế tham khảo để đưa vào Hướng dẫn Quốc gia về các Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sàng lọc và dự phòng bệnh lý tiền sản giật ở thai phụ trên toàn quốc. Chủ nhiệm đề tài là GS. Cao Ngọc Thành cùng các đồng sự đã theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Kết quả đề tài được hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia đánh giá loại xuất sắc.

2. Can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da tại Trung tâm Tim mạch

Hình 1. Thao tác đóng dù bít thông liên nhĩ bao gồm đưa dây dẫn qua lỗ thông liên nhĩ, đưa bóng vào đo kích thước lỗ thông, sau đó đưa dụng cụ bít thông liên nhĩ.

Trong những năm gần đây, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã tiến hành triển khai kỹ thuật bít thông liên nhĩ bằng dù qua da. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, tránh phải mở ngực như những phẫu thuật tim mạch thông thường.

3. Các kỹ thuật mới của Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm từng bước tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như các kỹ thuật phân tích nhiễm sắc thể (lập karyotype, FISH), các kỹ thuật phân tích gene (giải trình tự, PCR, Real-time PCR, QF-PCR,...), các kỹ thuật phân tích protein và hoạt chất (sắc ký lỏng cao áp, khối phổ kép…).Những kết quả nổi bật bao gồm phát hiện được một số biến dị di truyền và mức độ biểu hiện gene ở bệnh lý tiền sản giật, một số đột biến liên quan đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn Helicobacter pylori trong bệnh lý dạ dày, các xét nghiệm di truyền cũng như sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh.

4.Phương pháp điều trị bằng sóng siêu âm cường độ cao (HIFU)

Với cơ chế phát sóng siêu âm cường độ cao rồi hội tụ tại một điểm bên trong cơ thể, nhờ đó HIFU có thể tiêu diệt khối u bên trong cơ thể mà không cần phẫu thuật. Bệnh viện Trường ĐHYD Huế là một trong những đơn vị đầu tiên trên toàn quốc sở hữu công nghệ này. Ngày 14/12/2016 Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế chính thức lắp đặt hệ thống HIFU và ngày 28/12/2016, Đơn vị chính thức đi vào hoạt động, bước đầu đã và đang điều trị an toàn và thành công cho các trường hợp u xơ tử cung, tiến tới sẽ áp dụng rộng rãi hơn cho các bệnh lý khác trong khuôn khổ được Bộ Y tế phê duyệt.

Hình 2. Định vị, lập trình và tiến hành kỹ thuật điều trị bằng sóng siêu âm cường độ cao

5. Lần đầu ở Thừa Thiên Huế chữa khỏi động kinh bằng phẫu thuật

Bệnh nhân Lê H. (21 tuổi, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhập viện ngày 12/11/2016 trong tình trạng toàn thân thường xuyên bị co giật (từ 1-3 lần/ngày). Sau khi xác định được nguyên nhân là vùng thùy thái dương bên phải của não bị xơ hóa từ đó tạo ra các sóng điện não gây động kinh, các bác sĩ của Khoa Ngoại tiết niệu - Thần kinh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã quyết định phẫu thuật. Phần thùy thái dương bên đã được cắt bỏ ngày 17/11/2016 sau một cuộc phẫu thuật kéo dài 7 tiếng. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt không còn lên cơn động kinh. Ngày 24/11/2016 bệnh nhân đã được xuất viện.

Hình 4. Bệnh nhân Lê H. cảm ơn bác sĩ sau khi được chữa khỏi động kinh bằng phẫu thuật

6. Cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhân mất thính giác

Ngày 23/6/2016 ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đầu tiên của Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thực hiện tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế. Bệnh nhân nam, 27 tuổi, đột ngột nghe kém cách đây 3 năm, kết quả đo thính lực đồ cho thấy bệnh nhân nghe kém 2 tai nặng. Sau khi được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, bệnh nhân và người nhà quyết định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử để cải thiện sức nghe. Thực hiện ca phẫu thuật này là GS. Norberto V. Martinez, Đại học Santo Tomas-Espana, Manila, Philippines và ê-kíp BS chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trường ĐHYD Huế. Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Một tháng sau, bệnh nhân đã được lắp đặt thiết bị ngoài để tiếp nhận âm thanh bên ngoài và đã nghe được những âm thanh từ bên tai vốn bị hỏng thính lực, cải thiện rõ khả năng nghe nói và giao tiếp. Để hòa nhập với môi trường sống tốt hơn, bệnh nhân còn được hỗ trợ một khoá học tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế.

Hình 5. Lắp thiết bị ngoài cho bệnh nhân bị mất thính giác sau cấy ốc tai điện tử

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã và đang không ngừng phấn đấu để trở thành trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa chất lượng cao của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là cơ sở đào tạo y dược học cơ bản, nâng cao và chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các cơ sở y tế trong khu vực; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển nền y học trong nước.