Quý khách hàng có những thắc mắc về dịch vụ của bệnh viện chúng tôi. Hãy cho chúng tôi biết bằng cách gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ xem xét và trả lời đến quý khách.
Hỏi

Chào bác sĩ ! sáng nay e mới khám ở benh vien đai học y dược to HCM cho bé 6tuòi năng 30 ki được bác sĩ chuẩn đoán bệnh gai đen và chân bé có bị thâm chuẩn đoán là viêm da cơ địa . E rất lo vì nghe nói bệnh của bé k hết ? Nguy cơ cao tiểu đường nữa nên e lo lắm .bác sĩ có thể cho e thực đơn cho bé ăn hàng ngày được k ak.bé tắm nước ấm được k ạ? Bé uống sữa có đường hay k đường ạ?

gửi ngày 21/11/2020 bởi Nguyen thuỷ (Email: thuyntt1211@gmail.com)
Trả lời

Chào chị, trong câu hỏi của chị không nêu rõ chiều cao, giới tính của trẻ và ngày tháng năm sinh cụ thể nên chúng tôi không thể đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng của trẻ được. Tuy nhiên, xin cung cấp một số thông tin về cân nặng của trẻ như sau: Trẻ nữ 6 tuổi bình thường sẽ có cân nặng dao động trong khoảng 15,3 đến 27,8 kg, trung bình là 20,2kg đối với bé gái; bé trai 6 tuổi sẽ có cân nặng dao động trong khoảng từ 15,9 đến 27,1 kg, trung bình là 20,5 kg. Như vậy con của chị đang có tình trạng thừa cân.

Về bệnh gai đen: Là bệnh lý da liễu - một rối loạn về da dẫn đến những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở vùng cổ, nách, háng và dưới bầu ngực. Lúc đầu, da vùng bệnh có thể chỉ đổi màu xam xám, nhìn có vẻ như bị dính bẩn, sau đó da sẽ đen dần lên, sờ thấy sần sùi, nham nhám vì nổi các u nhú và tăng sừng. Bệnh gai đen có nhiều nguyên nhân và phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc nguyên nhân cụ thể. Một trong số các phương pháp điều trị đó là giảm cân và hạn chế các thức ăn nhiều đường. Trẻ em bị bệnh gai đen sẽ có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn bình thường.

Trong trường hợp này, bệnh gai đen của trẻ có khả năng là do tình trạng thừa cân (chưa loại trừ các nguyên nhân khác), về mặt dinh dưỡng điều trị, bé cần được điều chỉnh tốc độ tăng cân (giảm hoặc ngừng tăng cân cho đến khi trở về mức cân nặng trong giới hạn bình thường) bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần giảm năng lượng, hạn chế thức ăn nhiều tinh bột (bánh mì, cơm, phở…), hạn chế các thực phẩm nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, kem, chè, trà sữa…), tăng cường rau xanh, hoa quả ít ngọt (lê, bưởi, ổi, mận…). Bên cạnh đó, trẻ cần tăng cường vận động mỗi ngày, thời gian vận động (chạy nhảy, chơi thể thao) từ 20 đến 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Như đã nói ở trên, trẻ em bị bệnh gai đen có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn bình thường, do vậy, trẻ cần được thăm khám định kỳ để tầm soát đái tháo đường type 2.

Đối với bệnh viêm da cơ địa, có thể bé bị dị ứng/nhạy cảm với một số kháng nguyên có trong thức ăn (sữa, tôm…), môi trường… Chị cần cho trẻ làm test dị nguyên để xác định trẻ dị ứng với những yếu tố nào. Trong trường hợp trẻ có dị ứng với thức ăn thì chị hạn chế cho trẻ sử dụng những thức ăn đó thì triệu chứng sẽ đỡ hơn.

Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt cho trẻ, chị nên đưa cháu đi tái khám theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

ThS. BS. Hoàng Thị Bạch Yến

Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

  Các câu hỏi khác
[ Trở lại ]   [ Các câu hỏi khác ]