Chú ý phân luồng/ sàng lọc bệnh nhân trong bối cảnh nhiễm biến chủng mới SARS-CoV-2

Trần Đình Bình, Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế

Đến sáng nay ngày 03/02/2021, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay trên cả nước là 310 ca trên 10 tỉnh thành gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang. Đây là đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất trong hơn 1 năm qua tại nước ta. Chủng virus SARS-CoV-2 B117 cũng như các diễn biến lâm sàng có nhiều khác biệt, làm cho việc sàng lọc, phân luồng khi bệnh nhân tới khám bệnh tại bệnh viện rất khó khăn, cần phải chú ý những vấn đề chính sau đây:

1. Bệnh nhân COVID-19 biến chủng mới 80% không có triệu chứng, các bệnh viện phải khai thác kỹ dịch tễ học

Theo Bộ Y tế, qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Các bệnh nhân có triệu chứng bệnh rõ nhất là nhân viên an ninh tại sân bay Vân Đồn, bệnh nhân 1660 ở TP.HCM và bệnh nhân ở Gia Lai. Tuy vậy, hầu như họ đều khởi phát triệu chứng ho, mất vị giác, sốt..., khá muộn sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Nhiều trường hợp khác được truy vết sau 9, 10 ngày rời vùng dịch vẫn không có triệu chứng.

Vì vậy các gợi ý lâm sàng khi đi khám bệnh của bệnh nhân không có hoặc là một bệnh nền khác, hoặc triệu chứng của cơ quan khác, đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân. Việc khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám trở nên cực kỳ quan trọng, người đi về từ vùng dịch, yếu tố tiếp xúc…là những điểm cần triệt để khai thác để phân luồng/sàng lọc sớm.

2. Diễn tiến lâm sàng bệnh nhân COVID-19 biến chủng mới nhẹ hơn, chậm hơn

Trong số hơn 300 bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng. Vì vậy, các triệu chứng sốt, ho, khó thở xuất hiện rất muộn, có thể sau 9-10 ngày nhiễm virus, theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thì “Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện”.

3. Thải trừ virus chậm

Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 3 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

4. Biến chủng SARS-CoV-2 (B117) khiến dịch COVID-19 tại Việt Nam lây lan nhanh và khó kiểm soát hơn so với virus cũ

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các nhà khoa học đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của người mắc COVID-19 trong đợt này. Trong đó, 11 mẫu có giải trình tự gene tương tự chủng virus B117 lần đầu được phát hiện tại Anh vào tháng 12/2020.

5. Những điểm khác biệt của biến chủng SARS-CoV-2 B117

- Thứ nhất, đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Chúng được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Theo nghiên cứu ban đầu, biến chủng lây qua đường không khí, đặc biệt, trong môi trường kín, hệ số lây nhiễm của virus ở mức rất cao. Chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây. Có thể biến chủng virus SARS-CoV-2 này có sự thay đổi gene và tạo nhiều gai bên ngoài hơn. Những gai này làm tăng khả năng bám dính vật chủ, từ đó khiến mức độ nhiễm bệnh cũng như lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp.

Thứ hai là dù chưa có nghiên cứu rõ ràng về sự gia tăng độc lực, trong tình huống số người nhiễm chủng mới tăng, sẽ có ca bệnh nặng, kéo theo đó nguy cơ tử vong cũng cao.

Thứ ba là biến chủng virus SARS-CoV-2 B117 này có tốc độ lây lan rất nhanh. Với SARS-CoV-2 chủng cũ, qua 1-2 ngày truy vết các trường hợp tiếp xúc gần thì đã an toàn. Chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nên có thể trong lúc tìm F1 thì F1 đã lây cho F2.

Sự thay đổi thứ tư cũng là yếu tố khiến dịch lây lan mạnh trong cộng đồng là người nhiễm biến chủng có thời gian ủ bệnh dường như kéo dài hơn, dù vòng đời của virus ngắn lại. Trước đây, khoảng 7 ngày, người nhiễm sẽ khởi phát triệu chứng sốt, ho, mất vị giác. Trong khi hiện tại, rất ít trường hợp có triệu chứng lâm sàng.

6. "Virus nhanh, chúng ta nhanh hơn virus"

Càng phát hiện sớm được các trường hợp mang mầm bệnh, chúng ta càng chiếm ưu thế kiểm soát hơn. Nếu không phát hiện sớm, nguồn bệnh sẽ tiếp tục lây lan âm thầm trong cộng đồng tạo thành nhiều ổ dịch thứ phát khác.

Phương án quan trọng nhất hiện nay của chúng ta là sàng lọc hợp lý, tăng cường xét nghiệm, phát hiện trên diện rộng tất cả trường hợp nghi ngờ, truy vết thần tốc khoanh vùng, phong tỏa và cách ly. Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 có thể đến từ mọi nguồn, bao gồm ở sân bay, nguồn nhập cảnh trái phép, khu cách ly. Nhiều bệnh nhân ở Hải Dương, Quảng Ninh nhiễm biến chủng mới, càng nguy hiểm hơn vì đối tượng mắc COVID-19 là người trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát, càng đặt thử thách lớn cho ngành y tế về việc truy vết thần tốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế, Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 03/02/2021.

2. Thái Bình, 80% bệnh nhân COVID-19 mới không có triệu chứng, các bệnh viện phải khai thác kỹ dịch tễ. Sức khoẻ và Đời sống, 02/02/2021.

3. Bích Huệ, Vì sao biến chủng SARS-CoV-2 lây lan nhanh ở Việt Nam? Zing, 03/02/2021